Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Quy trình và phương thức thực hiện công tác kiểm định và chứng nhận phù hợp sản phẩm, hàng hoá Vật liệu xây dựng

Khi cung thấp hơn cầu, khách hàng không có quyền lựa chọn sản phẩm, dịch vụ có chất lượng theo yêu cầu. Trên thế giới, tình trạng này kéo dài đến sau Đại chiến Thế giới lần thứ II. Ở nước ta sau khi đổi mới sang nền kinh tế thị trường XHCN, hết khủng hoảng kinh tế, đời sống nhân dân được cải thiện hơn, khách hàng có quyền lựa chọn sản phẩm, dịch vụ theo yêu cầu. Mặt khác mục đích của hội nhập kinh tế là đảm bảo an toàn, sức khoẻ, môi trường và an ninh cộng đồng... do vậy chất lượng sản phẩm, hàng hoá ngày càng được quan tâm bởi người sản xuất, tiêu dùng và các nhà quản lí. 

Trên cơ sở đó việc đánh giá sản phẩm, hàng hoá phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật được hình thành và phát triển. Nhà nước đã ban hành các tiêu chuẩn và quy định về quản lí chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường và hàng hoá nhập khẩu. để thực hiện công tác kiểm tra chất lượng, các tổ chức chứng nhận, công nhận và kiểm định giám định hàng hoá phải nâng cao tầm hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế. 

Trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là các sản phẩm VLXD càng được thể hiện rõ nét với các nội dung trên. Chính vì vậy, việc xuất, nhập khẩu VLXD và quản lí chất lượng công trình xây dựng có nhiều thuận lợi trong nền kinh tế mở cửa hiện nay ở nước ta, nhất là ở các công trình có vốn đầu tư nước ngoài.  
1. Giới thiệu một số văn bản có liên quan đến công tác quản lí chất lượng sản phẩm hàng hoá 

Công tác quản lí chất lượng sản phẩm, hàng hoá mới được đặc biệt quan tâm khi nước chuẩn bị điều kiện gia nhập WTO. Những năm gần đây các luật, nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn được ban hành đầy đủ hơn với nội dung hoà nhập với các quy định của thế giới và WTO. Những văn bản sau liên quan đến đánh giá phù hợp và nhất là công tác quản lí chất lượng sản phẩm, hàng hoá. 

- Hiệp định về rào cản kĩ thuật trong thương mại (TBT-Technical Barries to Trade): Gồm 15 điều khoản và 3 phụ lục với các mục tiêu là thừa nhận tầm quan trọng của tiêu chuẩn quốc tế và các hệ thống quốc tế về đánh giá sự phù hợp trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh thương mại. Trong đó Điều 5 là quy trình đánh giá sự phù hợp do cơ quan Nhà nước trung ương quản lí và Điều 6 là thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp bởi các cơ quan nhà nước trung ương. Nguyên tắc cơ bản của Hiệp định là tránh sự cản trở không cần thiết cho thương mại. Các luật, nghị định, thông tư... phải được xây dựng trên nguyên tắc của Hiệp định này.

- Luật tiêu chuẩn và quy trình kĩ thuật đã được ban hành ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ 01/01/2007 Đây là căn cứ, chuẩn mực kỹ thuật cho việc kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hoá mà trước hết cần quan tâm đến lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kĩ thuật, đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. 

- Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21/10/2004 về Quy định quản lí Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Nội dung chính:

  + Quy định về xây dựng, nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn hàng hoá; 

  + Quy định danh mục sản phẩm hàng hoá phải áp dụng tiêu chuẩn: Bộ quản lý chuyên ngành phối hợp với Bộ KHCN công bố danh mục này; 

  + Quy định chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hoá theo 1 trong các cách: Thử nghiệm mẫu điển hình; Thử nghiệm mẫu điển hình và giám sát mẫu thử nghiệm lấy trên thị trường và cơ sở sản xuất, thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng, thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm hàng hoá. Bộ quản lý chuyên ngành lựa chọn phương thức. 

  + Bộ KHCN phối hợp với Bộ quản lý chuyên ngành quy định sản phẩm hàng hoá phải được chứng nhận chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn ngành hoặc tiêu chuẩn khác. 

  + Công nhận Hệ thống quản lý chất lượng: Thử nghiệm chất lượng, sản phẩm; Giám định; Chứng nhận sản phẩm; Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng.  

- Quyết định số 04/2006/QĐ-BKHCN ngày 10/01/2006 ban hành Quy định về nội dung, thủ tục công bố sản phẩm, hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn, pháp quy kỹ thuật. Doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo với cơ quan quản lý và người tiêu dùng về sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá do mình sản xuất với tiêu chuẩn. 

- Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 7/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra về chất lượng. Bộ Xây dựng có 8 sản phẩm: Xi măng pooc lăng, pooc lăng hỗn hợp, pooc lăng puzôlan, pooc lăng bền sunfat, pooc lăng trắng, pooc lăng ít toả nhiệt, tấm lợp amiăng xi măng và dầm bê tông cốt thép ứng lực trước và viên blôc bê tông dùng làm sàn, mái. Vụ KHCN là cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức việc kiểm tra chất lượng. Viện VLXD cùng Trung tâm kỹ thuật -Tổng cục Tiểu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) 1, 2,3 được chỉ định là tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá là xi măng các loại và tấm lợp. Viện KHCN Xây dựng và các TT Kỹ thuật TCĐLCL 1, 2,3 được chỉ định là tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá là dầm bê tông cốt thép ứng lực trước và viên blôc bê tông dùng làm sàn, mái. 

2. Quy trình và phương thức thực hiện công tác kiểm định chất lượng VLXD 

Để thực hiện công tác kiểm định chất lượng hàng hoá, hầu hết các sản phẩm được đánh giá tại các phòng thử nghiệm theo các tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng với các loại sản phẩm. Các 2 đơn vị thử nghiệm để đảm bảo chất lượng cũng phải được đánh giá và hoạt động theo chuẩn mực tiêu chuẩn đã quy định. Trong lĩnh vực VLXD, hệ thống các phòng thí nghiệm vật liệu xây dựng đã được công nhận và mang 1 trong 2 mã hiệu sau: 

a. Phòng thí nghiệm mang mã hiệu VILAS 

Là hệ thống phòng thử nghiệm được công nhận theo TCVN ISO/IEC 17025: 2005 do Văn phòng Công nhận chất lượng cấp giấy chứng nhận. Chuẩn mực của tiêu chuẩn này vừa thoả mãn ISO 9001: 2000 về Hệ thống chất lượng vừa thoả mãn ISO/IEC Guid 25 về Quản lý phòng thí nghiệm và hiệu chuẩn. Nếu phòng thử nghiệm đáp ứng chuẩn mực này thì kết quả thử nghiệm sẽ có điều kiện được thừa nhận lẫn nhau giữa các quốc gia khác. Hiện tại Việt Nam có khoảng 300 phòng thử nghiệm được công nhận và mang mã hiệu VILAS, trong đó chỉ có 18 phòng thử nghiệm thuộc lĩnh vực VLXD. Viện VLXD có phòng thử nghiệm mang mã hiệu VILAS 03, đây là phòng thử nghiệm đầu tiên về VLXD được công nhận. Qua nhiều năm mở rộng đến nay đã có 170 phép thử được công nhận, gồm các chuyên ngành: Phân tích hoá vật liệu, xi măng, bê tông, vật liệu chịu lửa, sản phẩm gốm sứ, gạch ngói... theo TCVN, ISO, ASTM, BS, EN... Cũng nhờ có sự tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng theo ISO mà phòng thử nghiệm VILAS 003 ngày càng có uy tín và được ưu tiên chỉ định kiểm định chất lượng của nhiều chủng loại VLXD nhiều hơn. 

Hệ thống chất lượng của phòng thử nghiệm đã lập thành văn bản bao gồm: 

- Sổ tay chất lượng: Thể hiện các chính sách chất lượng liên quan tới hoạt động thử nghiệm để tạo niềm tin với khách hàng và các cơ quan quản lý, thể hiện các quy trình quản lý về chất lượng, đảm bảo nguồn năng lực phù hợp với tiêu chuẩn ISO và mang đặc trưng riêng của từng phòng thử nghiệm. 

- Sổ tay thủ tục: Thể hiện cụ thể các bước thực hiện các chính sách đã công bố. 

- Sổ tay phương pháp thử: Gồm các phương pháp thử có trong danh mục áp dụng của phòng thử nghiệm.

- Sổ tay hướng dẫn: Các hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, hướng dẫn công việc, hướng dẫn thao tác thiết bị, hướng dẫn thử nghiệm... 

- Sổ tay biểu mẫu: Các biểu mẫu thuộc Hệ thống Chất lượng đang áp dụng.  

b. Phòng thí nghiệm mang mã hiệu LASXD 

Được công nhận chính bởi Vụ KHCN -BXD và phạm vi chỉ giới hạn cho các PTN xây dựng. Chuẩn mực công nhận theo TCXDVN 297: 2003. Chuẩn mực này đã thừa hưởng TCVN ISO/IEC 17025:2005 và quy định PTN phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2000. Nếu các PTN có hệ thống quản lý chất lượng tốt thì đương nhiên có điều kiện để duy trì và ổn định chất lượng. Hiện nay đã có tới khoảng 600 PTN được công nhận.  

3. Quy trình và phương thức thực hiện công tác đánh giá sự phù hợp 

Việc đánh giá và khẳng định sự phù hợp có thể phân thành 3 loại sau: 

- Đánh giá của bên thứ nhất: Người cung cấp tự đánh giá sản phẩm (có thể là quá trình, hệ thống chất lượng). Kết quả đánh giá là bản tự công bố của bên cung ứng; 

- Đánh giá của bên thứ hai: Khách hàng tự đánh giá, Kết quả đánh giá là sự thừa nhận của khách hàng; 

- Đánh giá của bên thứ ba: Một tổ chức trung gian tiến hành đánh giá. Hoạt động của loại hình này có thể là thử nghiệm, giám định, chứng nhận, công nhận. Kết quả là chứng chỉ cho đối tượng được đánh giá. 

a. Công tác công bố sản phẩm, hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn 

Theo Hiệp định rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) thì tự công bố của người cung cấp có thể là nhà sản xuất, phân phối, nhập khẩu, hoặc một tổ chức dịch vụ. Việc tự công bố có thể áp dụng cho cả trường hợp tự nguyên và bắt buộc. Trong trường hợp tự nguyện còn có tác dụng như một quảng cáo tiếp thị. Trong hầu hết mọi trường hợp tự công bố là do yêu cầu của khách hàng và thị trường. Tự công bố có ưu điểm là đơn giản về thủ tục, thời gian, kinh phí.... nhưng cũng có nhược điểm là thiếu tính thuyết phục do không có tổ chức trung gian. Vì vậy tự công bố chỉ là một giai đoạn của hệ thống đánh giá sự phù hợp. Người đứng đầu tổ chức tự công bố phải chịu trách nhiệm về nội dung đã công bố. để tăng tính khách quan và tăng tính thuyết phục, tổ chức công bố thường sử dụng việc thử nghiệm hay các xem xét đánh giá bởi tổ chức trung gian khác. Tổ chức công bố có thể nêu thêm phòng thí nghiệm có liên quan (đã được công nhận...), các chứng chỉ khác đã được cấp.... 

Nội dung này được thực hiện chủ yếu theo Quyết định số 04/2006/QĐ-BKHCN ngày 10/01/2006 ban hành Quy định về nội dung, thủ tục công bố sản phẩm, hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn, pháp quy kỹ thuật. Theo Điều 45 của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thì công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận phù hợp hoặc tự đánh giá phù hợp. 

Sản phẩm, hàng hoá được công bố phù hợp theo các bước sau: 

- Đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá theo tiêu chuẩn; 

- Doanh nghiệp công bố bằng văn bản theo mẫu quy định; 

- Cơ quan quản lý ra văn bản tiếp nhận công bố theo mẫu quy định. Nội dung và thủ tục công bố với các sản phẩm, hàng hoá phải được công bố phù hợp là: 

  + Bản Công bố phù hợp của tổ chức công bố; 

  + Bản sao giấy chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với tiêu chuẩn; 

  + Các tiêu chuẩn và các quy định khác có liên quan; 

  + Bản mô tả chung về sản phẩm (tính năng, công dụng...). 

Trường hợp sản phẩm, hàng hoá không bắt buộc phải công bố phù hợp, doanh nghiệp cũng nên tự đánh giá phù hợp theo các bước sau: 

- Xây dựng và áp dụng các yêu cầu về kiểm soát chất lượng; 

- Tự đánh giá bằng việc thử nghiệm các mẫu; Và sau đó tự công bố phù hợp bao gồm các nội dung: - Bản công bố phù hợp; 

- Các tiêu chuẩn liên quan trực tiếp đến sản phẩm, hàng hoá; 

- Bản mô tả chung về sản phẩm, hàng hoá; 

- Kết quả thử nghiệm và tiêu chuẩn thử nghiệm; 

- Các văn bản khác có liên quan như: quy trình sản xuất và hệ thống quản lý chất lượng. 

Do công bố phù hợp tiêu chuẩn phải được gắn, in hoặc dán lên sản phẩm là đối tượng phải được công bố phù hợp tiêu chuẩn. Đây là cơ sở pháp lý để sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường. Đối với các trường hợp tự nguyện thì dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn không bắt buộc phải gắn lên sản phẩm, hàng hoá.

b. Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn 

Bên thứ ba thực hiện công việc bảo đảm đối tượng nào đó phù hợp với yêu cầu được quy định được gọi là Tổ chức chứng nhận. Đối tượng chứng nhận là: sản phẩm, hệ thống quản lý chất lượng, kỹ thuật viên chuyên ngành. Tổ chức được chứng nhận có những lợi ích: nâng cao uy tín, có thể là bắt buộc với thị trường chủ yếu trên thế giới hoặc theo quy chuẩn kỹ thuật. Việc mở rộng thị trường đối với các chủng loại sản phẩm đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn là dễ dàng hơn. Thời kỳ đầu, việc chứng nhận sản phẩm, hàng hoá mới chỉ chú ý tới chất lượng sản phẩm, sau này tính ổn định của chất lượng sản phẩm và điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng được quan tâm đặc biệt.

Chứng nhận sự phù hợp cho sản phẩm, hàng hoá (còn gọi là chứng nhận sản phẩm) là bắt buộc với những sản phẩm phải được chứng nhận theo Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21/10/2004 về Quy định quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Tuỳ theo thể thức chứng nhận, có thể thực hiện một hoặc nhiều phương pháp đánh giá: Thử điển hình, kiểm tra lô, kiểm tra toàn bộ, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng... Chuẩn mực đối với các tổ chức điều hành hệ thống chứng nhận sản phẩm là ISO/IEC Guide 65, Guide 66... 

Hiện có các tổ chức chứng nhận phù hợp sản phẩm là: Quacert, Trung tâm kỹ thuật 1, 2, 3 (thuộc Tổng cục TC-ĐL-CL). Đối với lĩnh vực VLXD, được sự giúp đỡ của Bộ Xây dựng, Viện Vật liệu Xây dựng với năng lực hiện tại đang hình thành tổ chức chứng nhận sản phẩm VLXD phù hợp tiêu chuẩn. Tổ chức này sẽ đánh giá chuyên sâu với nhiều chủng loại VLXD và giúp đỡ các doanh nghiệp sản xuất vượt qua rào cản kỹ thuật thương mại khi Việt Nam gia nhập WTO.

c. Một số công tác khác của đánh giá phù hợp 

Giám định là việc kiểm tra cho việc thiết kế sản phẩm, sản phẩm, dịch vụ (năng lực của nhà sản xuất, hoạt động của hệ thống chất lượng), quá trình hay nhà xưởng thiết bị và xác định sự phù hợp của chúng với các yêu cầu quy định chung hay cụ thể nào đó. Nhà sản xuất cũng có thể qua tổ chức giám định để xác định sự phù hợp sản phẩm của chính mình để tự công bố sự phù hợp. Công tác giám định hoặc kiểm tra có thể là một chức năng riêng biệt hoặc có thể là một phần của hệ thống chứng nhận. Giám định bao gồm các nội dung: chất lượng, số lượng, giá cả. Tổ chức giám định thường hoạt động theo chuẩn mực của ISO/IEC 17020. Đây là tiêu chuẩn được chuẩn bị bởi Ban Châu Âu về tiêu chuẩn hoá (CEN) và Uỷ ban Châu Âu về tiêu chuẩn hoá trong lĩnh vực điện (CENLEC) theo tiêu chuẩn Châu Âu EN 45004. Thử nghiệm, hiệu chuẩn cũng là một hoạt động của đánh giá phù hợp. PTN thường phải thoả mãn các yêu cầu nhất định tuỳ theo quy định của từng hệ thống. Khi tổ chức chứng nhận sử dụng PTN bên ngoài thì PTN đó phải có uy tín và phải được công nhận (chuẩn mực là TCVN ISO/IEC 17025: 2005). 

Các tổ chức đánh giá sự phù hợp cũng phải được công nhận. Thông thường mỗi nước đều có ít nhất một tổ chức công nhận. Nước ta tổ chức công nhận là Văn phòng Công nhận chất lượng (BOA) thuộc Tổng cục TC-ĐL-CL. Để kết quả công nhận có thể có tác dụng với quốc gia khác thì tổ chức công nhận cần phải có thảo thuận đa phương và song phương. Đó là kết quả của thừa nhận lẫn nhau. Hiện nay BOA đã có những thảo thuận với ILAS, APLAC và một số nước khác. Việc hình thành một tổ chức công nhận quốc tế là cần thiết cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp để các sản phẩm của ta có đủ điều kiện vươn ra thị trường nước ngoài.

Kiểm định và chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá nói chung và VLXD nói riêng là cần thiết với cả những đối tượng không bắt buộc phải chứng nhận. Đây là những hoạt động khẳng định chất lượng sản phẩm, hàng hoá vừa có tính pháp lý vừa có tác dụng quảng cáo chất lượng sản phẩm, dịch vụ. 

Các chuẩn mực cho việc kiểm định và chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá ở Việt Nam đã được xây dựng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và Hiệp định TBT. Đây là điều kiện để mở rộng xuất nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá nói chung và VLXD nói riêng. Mặt khác nó cũng là cơ sở để các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam sử dụng sản phẩm, hàng hoá trong nước.  

Nguyễn Đình Lợi - Viện Vật liệu xây dựng (Nguồn tin: Tài liệu tập huấn "Phương thức kiểm soát đánh giá và công nhận chất lượng sản phẩm hàng hoá, vật tư, vật liệu trong xây dựng" tháng 11/2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét