Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Nội dung công tác giám sát thi công và nghiệm thu nền móng công trình xây dựng

Năm nhiệm vụ chính của tư vấn giám sát được quy định cụ thể trong các văn bản pháp quy của nhà nước về quản lý chất lượng các công trình xây dựng và sẽ được cụ thể hoá trong quy trình giám thi công kiểm soát chất lượng thi công nền và móng. 

Những vấn đề chính Tư vấn giám sát cần giám sát, kiểm tra theo từng giai đoạn thi công có thể liệt kê như sau:
  • Trước khi khởi công: 
- Tư cách pháp nhân của nhà thầu (chính và phụ);
- Các chứng chỉ hợp cách (hợp đồng, năng lực…) có liên quan đến 
công trình của nhà thầu;
- Vật liệu hoặc cấu kiện đưa vào thi công;
- Thiết bị máy móc dùng trong thi công;
- Công nghệ và quy trình thi công;
- Kế hoặch đảm bảo chất lượng của nhà thầu;
- Biện pháp bảo vệ môi trường;
- An toàn và vệ sinh lao động trong thi công.
  • Trong quá trình thi công:
- Theo trình tự thi công để xác định các bước,các công đoạn cần kiểm tra nghiệm thu trước khi làm tiếp các bước/giai đoạn sau;
- Theo hạng mục công trình móng(móng cột/tường, móng của lõi cứng…);
- Theo những thông số chất lượng của công việc(ví dụ: đối với cọc BTCT: kích thước hình học, độ đồng nhất của bêtông, sai số cho phép,cường độ bê tông; đối với nền lu lèn : hệ số đầm chặt, mô đun biến dạng vv….).

Khối lượng kiểm tra của quy trình giám sát thi công chất lượng nền móng xây dựng:

- Kiểm tra chất lượng ngoài hiện trường hoặc trong phòng thí nghiệm thường theo phương pháp ngẫu nhiên với một tập hợp các mẫu thử (hay đo kiểm, quan sát) có giới hạn. Do đó để kết quả kiểm tra có độ tin cậy cao cần phải thực hiện những phép đo/thử với một mật độ nhất định tuỳ theo xác suất bảo đảm do nhà tư vấn thiết kế (hoặc chủ đầu tư) yêu cầu (theo kinh nghiệm các nước tiên tiến, thông thường lấy xác suất bảo đảm P = 0,95).
- Đối với móng, mật độ (%) lấy mẫu hay số lần kiểm tra có thể tham khảo theo bảng 1
Bảng 1 Mật độ kiểm tra (%) trong 1 đơn vị móng bị kiểm tra  khi xác suất bảo đảm P = 0,95 

- Tuỳ theo phương pháp thử kiểm tra chất lượng, các thông số, khối lượng cần kiểm tra cũng như tiêu chí đánh giá chất lượng kết quả thi công phải có qui định cụ thể. Các quy định này do kỹ sư thiết kế hoặc tư vấn dự án quyết định dựa trên các tiêu chuẩn nghiệm thu và theo nguyên tắc khối lượng kiểm tra ở hiện trường không được thấp hơn qui định của tiêu chuẩn thử, trong một số trường hợp còn nhiều hơn so với tiêu chuẩn (do tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát quyết định).

Các tiêu chí đánh giá chất lượng của quy trình giám sát thi công chất lượng nền móng:

- Các tiêu chí sử dụng để đánh giá chất lượng các sản phẩm cần nghiệm thu theo thứ tự ưu tiên như sau:
  • Yêu cầu của thiết kế được duyệt; 
  • Quy định của tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm chuyên ngành; 
  • Quy định của địa phương về các vấn đề liên quan. 
- Các yêu cầu của thiết kế được duyệt được xem là tiêu chí hàng đầu để đánh giá chất lượng và nhiệm vụ của tư vấn giám sát là đảm bảo thi công theo đúng thiết kế được duyệt.
- Các tiêu chuẩn, quy trình giám sát thi công, quy phạm chuyên ngành được viện dẫn để đánh giá chất lượng khi thiết kế không đề cập đến hoặc còn các tranh cãi giữa các bên liên quan tham gia dự án. 
- Các quy định mang tính địa phương phải luôn được thiết kế kể đến và phải được điều chỉnh tổng thể đẻ đảm bảo chất lượng cho toàn bộ công trình xây dựng. 
- Các quy định địa phương thường bổ sung cụ thể cho tiêu chuẩn chuyên ngành tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế, kỹ thuật của địa phương đó.

Đặc điểm và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thi công nền móng 

- Khác với phần công trình trên mặt đất, thi công nền móng có những đặc điểm riêng và thường gặp những yếu tố bất lợi ảnh hưởng không tốt đến chất lượng thi công. Các đặc điểm khác biệt có thể tổng kết như sau đây. 
- Thường có sự sai khác giữa tài liệu khảo sát địa chất công trình, địa chất thuỷ văn nêu trong hồ sơ thiết kế thi công với tình hình đất nền thực tế lúc mở và thi công móng. Cần tìm hiểu kỹ điều kiện địa chất công trình và địa chất thuỷ văn của vùng đất xây dựng và giám sát chặt chẽ quá trình thi công móng, hố móngđể phát hiện các sai khác nói trên. Khi phát hiện các sai khác lớn cần báo cho Chủ đầu tư kịp thời xử lý (thay đổi phương án thi công, có khi cả thiết kế), nếu cần phải khảo sát bổ xung; 
- Quá trình thi công nền móng thường bị chi phối mạnh bởi sự thay đổi thời tiết (nóng khô, mưa bão, lụt ....). Điều này có ảnh hưởng lớn đến chất lượng và tiến độ công tác thi công nền móng. 
- Công nghệ và thiết bị thi công nền móng rất đa dạng, ngay cả trong một dự án xây dựng. Cần thiết nghiên cứu cẩn thận trước khi nhà thầu tiến hành thi công để có phương án giám sát hợp lý cho từng hạng mục công trình. Giám sát chặt chẽ sao cho kinh nghiệm và trình độ của người thi công phải phù hợp đơn thầu. 
- Phải có biện pháp xử lý những vấn đề liên quan đến môi trường do thi công gây ra ( đất, nước thải lúc đào móng, dung dịch sét khi làm cọc khoan nhồi, ồn và chấn động đối với khu dân cư và công trình ở gần, có thể gây biến dạng hoặc nội lực thêm sinh ra trong công trình hiện hữu nằm gần hố móng mới vv....); 
- Móng là kết cấu khuất sau khi thi công (như móng trên nền tự nhiên) hoặc ngay trong lúc thi công (như nền gia cố, móng cọc ....) nên cần tuân thủ nghiêm ngặt việc ghi chép (kịp thời, tỷ mỷ, trung thực) lúc thi công và lưu trữ cẩn thận theo quy định để tránh những phức tạp trong đánh giá khi có nghi ngờ về chất lượng. Căn cứ để giám sát là kế hoạch/văn bản "đảm bảo chất lượng" đã thống nhất và được chủ công trình chấp nhận. 
- Các kết quả tính toán dự báo ứng xử đất nền theo các nguyên lý của cơ học đất chỉ mang tính tương đối, cho thấy một khoảng độ lớn của các thông số dự báo. Tuyệt đối hoá các giá trị tính toán dự báo thường dẫn đến các quyết định sai lầm cho thi công, thiết kế và khai thác sử dụng công trình xây dựng.

Nguồn: Tài liệu Giám sát thi công và nghiệm thu nền và móng công trình - PGS.TS. Đoàn Thế Tường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét